Sự đổi thay của thú chơi tranh Tết theo thời gian
Từ thời xa xưa, khi mùa Xuân về cũng là “mùa tranh Tết”, giờ đây, cùng với sự phát triển của đời sống hiện đại, thú chơi tranh của người Việt cũng có phần khác đi, nhưng vẫn thể hiện được cảm xúc và nét đẹp rất riêng trong ngày Tết cổ truyền của dân tộc.
Với hoạ sĩ Trần Lê Khả, kỷ niệm về những bức tranh tết xưa vẫn còn in đậm trong tâm trí của ông. Dù tuổi cao, sức khoẻ đã yếu hơn nhiều nhưng cứ mỗi dịp Tết đến, ông lại cặm cụi với cọ, với màu nước, với khung gỗ, để ghi lại khoảnh khắc giao mùa.
Lấy cảm hứng từ điều giản dị xoay quanh cuộc sống thường nhật, những bức tranh Tết của ông mang màu sắc đặc trưng và rất đậm chất của Tết cổ truyền Việt Nam.
Ngày nay khi đời sống xã hội phát triển, nhu cầu thưởng thức hội hoạ trong ngày Tết cũng trở nên phong phú, đa dạng hơn. Thay vì những bức tranh truyền thống, giờ đây, tranh phong cảnh vẽ tường, tranh trừu tượng khổ lớn là lựa chọn của người chơi tranh Tết. Cô giáo Nguyễn Thị Thanh - dạy môn Mỹ thuật Trường THCS Sông Trí, TX Kỳ Anh và cũng là một hoạ sĩ vẽ tranh tường Tết. Những bức tranh của chị chủ yếu được lấy cảm hứng từ phong cảnh thiên nhiên với gam màu tươi sáng và được vẽ trực tiếp lên các khoảng tường lớn trong nhà.
Cô giáo Nguyễn Thị Thanh - GV Mỹ thuật Trường THCS Sông Trí, TX Kỳ Anh luôn dành tâm huyết cho những bức tranh tường
Xuôi theo dòng chảy của lịch sử nhân loại, người Việt đã có truyền thống ghi lại những hoạt động ngày Tết của mình trong tranh. Và dù là ở thời đại nào, tranh treo Tết cũng mang ý nghĩa cầu chúc những điều tốt đẹp nhất và ước vọng một năm mới tràn đầy hạnh phúc.
Dân gian có câu “Nhất chữ, nhì tranh, tam sành, tứ mộc”, rõ ràng, thú chơi tranh của người Việt trong dịp Tết Nguyên Đán đã có từ bao đời nay. Tranh Tết – xưa và nay dẫu đã có nhiều đổi thay nhưng sự thay đổi đó không làm mất đi vẻ đẹp vốn có của hội hoạ mà ngược lại, còn tạo cho những bức tranh một luồng sinh khí, sức sống, hơi thở mới, phù hợp hơn với thời đại mới hôm nay.
Theo Phương Linh, Thanh Tùng, Trần Khánh