Số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan tăng vọt lên hơn 33.000 trong một tuần, 2 người tử vong
33.030 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Thái Lan trong giai đoạn từ ngày 11 đến 17/5, gấp đôi so với con số hơn 16.000 ca của tuần trước đó.
Số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan tăng vọt
Tờ Bangkok Post dẫn nguồn từ Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan cho biết, trong vòng 1 tuần (từ ngày 11 – 17/6), Cơ quan Kiểm soát Dịch bệnh Thái Lan đã ghi nhận tới 33.030 ca dương tính với COVID-19, gấp đôi con số hơn 16.000 ca của tuần trước.
Trong số các ca nhiễm, 1.918 trường hợp phải nhập viện, 2 trường hợp được báo cáo đã tử vong tại các tỉnh Sukhothai và Kanchanaburi.
Thủ đô Bangkok là địa phương có số người nhiễm cao nhất với 6.290 ca, tiếp theo là các tỉnh Chon Buri (2.573 ca), Rayong (1.680 ca), Nonthaburi (1.482 ca) và Samut Prakan (1.442 ca). Hầu hết các trường hợp mắc COVID-19 đều ở độ tuổi từ 30 đến 39.
33.030 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Thái Lan trong một tuần. Ảnh minh họa
Ngày 19/5, Tiến sĩ Thira Woratanarat tại Khoa Y, Đại học Chulalongkorn cho biết các trường hợp mắc COVID-19 tại nước này đã tăng mạnh trong 11 tuần liên tiếp.
“Nếu tình hình vẫn tiếp diễn như vậy, số ca bệnh được báo cáo trong tuần tới sẽ tăng gấp đôi. Dịch bệnh sẽ kéo dài trong một thời gian dài, vì đang đạt mức cao nhất trong ít nhất 3 tháng nay”, Tiến sĩ Thira cho biết.
Bà Loetluck Leelaruangsaeng - Giám đốc Sở Y tế Bangkok cho biết thành phố hiện đang tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh ở trẻ em trong thời điểm đầu năm học mới.
Bà Loetluck nói rằng sở y tế đã yêu cầu các bệnh viện chuẩn bị đội ngũ y bác sĩ và trang thiết bị, bao gồm thuốc men, vaccine và giường bệnh, để sẵn sàng điều trị, đặc biệt cho trẻ nhỏ từ 0–4 tuổi, người cao tuổi, bệnh nhân nằm liệt giường và người mắc bệnh mãn tính.
Người dân được khuyến cáo đeo khẩu trang và sử dụng bộ xét nghiệm nhanh ngay khi có các triệu chứng như sốt, ho, đau họng hoặc mệt mỏi.
Nếu có hơn năm học sinh bị nhiễm bệnh, nhà trường phải báo cho sở, bà Pawinee nhấn mạnh.
Biến thể XEC bùng phát ở Thái Lan có nguy hiểm?
Một yếu tố chính góp phần vào sự gia tăng số ca nhiễm COVID-19 ở Thái Lan hiện nay là sự xuất hiện của biến thể XEC - biến thể tái tổ hợp trong dòng Omicron.
Theo The Nation, biến thể XEC là chủng tái tổ hợp mới của Omicron, lần đầu được phát hiện tại Đức vào tháng 6/2024. Đây là kết quả lai tạo của hai biến thể phụ: KS.1.1 (FLiRT) và KP.3.3 (FLuQE).
XEC mang nhiều đột biến giúp virus lây truyền nhanh hơn. Dữ liệu từ Mỹ, Vương Quốc Anh và Trung Quốc cho thấy XEC lây lan nhanh hơn 84-110% so với các biến thể phụ Omicron khác, chiếm 10-20% các ca nhiễm mới ở một số khu vực.
Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC), các triệu chứng nhiễm biến thể XEC cũng không có sự khác biệt so với trước đó, bao gồm: Ho, đau họng, nghẹt mũi hoặc sổ mũi, tiêu chảy, sốt hoặc ớn lạnh, khó thở hoặc thở hụt hơi, mất vị giác hoặc khứu giác, mệt mỏi, nhức đầu, đau nhức, chán ăn, buồn nôn.
Các triệu chứng ban đầu có thể nhẹ ở một số người nhưng cũng chuyển nặng hơn khi bệnh tiến triển. Trong đó, tình trạng khó thở dường như xuất hiện thường xuyên hơn ở người lớn tuổi hoặc người có hệ miễn dịch suy yếu hay người không tiêm vaccine cập nhật.
Biến thể XEC là chủng tái tổ hợp mới của Omicron. Ảnh minh họa
Bằng chứng cho đến nay cho thấy XEC không phải là biến thể khác biệt hoàn toàn hoặc nguy hiểm hơn các biến thể Omicron khác của COVID-19.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hiện vẫn chưa phân loại XEC là "biến thể đáng quan tâm" mà chỉ là "biến thể đang được theo dõi" do tỷ lệ lưu hành ngày càng tăng trên toàn cầu.
Tuy nhiên, Bộ Y tế Thái Lan vẫn khuyến cáo người dân tiêm vaccine và mũi tăng cường, đeo khẩu trang tại nơi công cộng, rửa tay thường xuyên, giữ khoảng cách an toàn và cách ly nếu xuất hiện triệu chứng nghi nhiễm.
Theo WHO, vaccine COVID-19 hiện tại vẫn cung cấp khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng do biến thể XEC gây ra. Phân tích của WHO chỉ ra rằng kháng huyết thanh đối với KP.3.1.1 và XEC tạo ra các giá trị kháng thể trung hòa phản ứng chéo với nhau và với các biến thể mới khác. Điều này cho thấy các vaccine hiện có vẫn có hiệu quả trong việc giảm thiểu các biến chứng nghiêm trọng liên quan đến XEC.
Theo doisongphapluat.com.vn