/

Phát hiện mỏ vàng bạc lớn nhất thế giới ở Nam Mỹ

09:54 17/05/2025
26 lượt xem

Khu mỏ nằm dọc biên giới Argentina - Chile chứa ước tính 907.000 kg vàng, và 18,6 triệu kg bạc và 13 triệu tấn đồng.

Khu mỏ Filo del Sol thuộc nguồn tài nguyên khoáng sản Vicuña. Ảnh: Filo Mining

Ở biên giới giữa hai quốc gia Nam Mỹ, các thợ mỏ đã phát hiện kho báu kim loại quý được mô tả là "một trong những nguồn tài nguyên vàng, bạc và đồng lớn nhất thế giới", theo IFL Science ngày 15/5.

Nằm dưới sự kiểm soát của tập đoàn khai thác mỏ lớn như Lundin Mining và BHP, nguồn tài nguyên khoáng sản Vicuña trải dài qua hai mỏ chính là Filo del Sol và Josemaria lọt vào top 10 địa điểm sản xuất đồng hàng đầu thế giới. Ngoài sản lượng đồng, nơi đây còn được công nhận là một trong những nguồn tài nguyên vàng và bạc lớn nhất toàn cầu. Phát hiện mới nhất cho thấy khu vực này của Nam Mỹ có thể giàu tài nguyên hơn so với dự đoán trước đây, theo Earth.

"Filo del Sol và quận Vicuña đang chuẩn bị phát triển thành khu mỏ đẳng cấp thế giới hỗ trợ một khu phức hợp khai thác mỏ hàng đầu thế giới", Jack Lundin, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Lundin Mining, cho biết. "Các mỏ lớn có xu hướng phát triển lớn hơn và chúng tôi thấy tiềm năng mở rộng rõ ràng để phát triển nguồn tài nguyên". Tuy Lundin Mining không tiết lộ giá trị của khu mỏ, ước tính nhanh cho thấy con số có thể lên tới hàng tỷ USD.

Vàng là kim loại quý, không chỉ sử dụng trong trang sức, đồ trang trí và hệ thống tiền tệ mà còn là vật liệu quan trọng trong sản xuất máy tính, thiết bị liên lạc, tàu vũ trụ, động cơ máy bay phản lực và nhiều thiết bị công nghệ khác. Kim loại hiếm như vàng, bạc, đồng là sản phẩm của quá trình địa chất cổ đại trong Trái Đất.

Hàng triệu năm trước, tại những khu vực các mảng kiến tạo va chạm và một mảng bị đẩy xuống dưới mảng khác, đá nóng chảy trào lên và lưu thông chất lỏng siêu nóng qua khe nứt trong vỏ Trái Đất. Những chất lỏng này rất giàu khoáng chất hòa tan từ sâu trong lòng đất, từ từ nguội đi khi di chuyển qua khe nứt và đứt gãy, để lại mạch kim loại quý. Qua hàng thiên niên kỷ, các mỏ có thể bị dịch chuyển do xói mòn và chuyển động của nước, chúng lắng đọng trên đáy biển và đồng bằng ngập lụt, hình thành mỏ sa khoáng. Hoạt động khai thác kim loại ở sâu bên dưới mặt đất đòi hỏi mạng lưới đường sá, cơ sở hạ tầng rộng lớn, dẫn tới thay đổi cảnh quan những vùng hẻo lánh kèm theo nguy cơ tác động tới môi trường.

Theo VNE

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...