/

Ông Putin đề xuất Nga - Ukraine đàm phán trực tiếp vào tuần sau

08:20 11/05/2025
23 lượt xem

Ông Putin đề xuất Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp, không cần điều kiện tiên quyết để thiết lập hòa bình, giải quyết "căn nguyên xung đột".

"Nga không phải bên đơn phương chấm dứt đàm phán hồi năm 2022, mà là Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề xuất Kiev nối lại đàm phán trực tiếp mà không đặt điều kiện tiên quyết", Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết trong cuộc họp báo tại Điện Kremlin hôm 10/5.

Ông đề xuất hai bên gặp nhau tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15/5, khẳng định Moskva quyết tâm đàm phán nghiêm túc để loại bỏ căn nguyên của cuộc xung đột, nhấn mạnh quyết định bây giờ thuộc về Ukraine.

Tổng thống Nga cũng cáo buộc quân đội Ukraine đã 5 lần tìm cách vượt qua biên giới và tiến quân vào lãnh thổ Nga trong 3 ngày Moskva thực thi lệnh ngừng bắn đơn phương.

"Lệnh ngừng bắn thực chất, được hai bên tuân thủ, đó sẽ là bước đầu tiên hướng tới hòa bình lâu dài, chứ không phải tiền đề nhằm tiếp nối xung đột sau khi quân đội Ukraine tái vũ trang và bổ sung lực lượng, cũng như xây dựng thêm mạng lưới phòng tuyến và cứ điểm", ông nói.

Giới chức Ukraine chưa bình luận về thông tin.

Tổng thống Nga Vladimir Putin trả lời họp báo ở Điện Kremlin ngày 15/5. Ảnh: AFP

Nga - Ukraine hồi tháng 3/2022 tiến hành đàm phán ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm chấm dứt chiến sự. Truyền thông Mỹ tiết lộ Kiev đã đồng ý không yêu cầu Moskva rút quân khỏi bán đảo Crimea ở giai đoạn một của tiến trình hòa bình. Tổng thống Putin và người đồng cấp Zelensky cũng dự kiến đàm phán trực tiếp về các vùng lãnh thổ mà Nga đang kiểm soát trong giai đoạn hai.

Hai bên dường như đã đạt được dự thảo thỏa thuận, nhưng đối thoại rơi vào bế tắc trước khi Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky quyết định chấm dứt đàm phán vào tháng 4/2022.

Tổng thống Putin hồi tháng 6/2023 công khai dự thảo mang tên "Hiệp ước về Quy chế Trung lập vĩnh viễn và Bảo đảm an ninh của Ukraine", nhấn mạnh trưởng đoàn đàm phán Ukraine đã ký nháy vào văn kiện này.

Dự thảo có 18 điều khoản, đề cập tới tình trạng trung lập và quy mô lực lượng vũ trang Ukraine, cũng như các bảo đảm an ninh cho nước này khi xung đột kết thúc. Theo đó, Ukraine cam kết đưa trạng thái "trung lập vĩnh viễn" vào hiến pháp, trong khi Nga, Mỹ, Anh, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ và Belarus sẽ là những quốc gia bảo đảm an ninh cho nước này.

Nga tuyên bố việc Ukraine theo đuổi tư cách thành viên NATO là một trong những lý do dẫn đến cuộc xung đột. Ukraine đưa mục tiêu này vào hiến pháp năm 2019, bất chấp những cảnh báo từ Nga rằng khả năng NATO triển khai lực lượng và vũ khí ở sát biên giới sẽ tạo ra mối đe dọa an ninh không thể chấp nhận được.

Theo RIA Novosti, Reuters

Xem thêm phản hồi...