/

Góc nhìn nghị trường: Từ những vụ đầu độc bằng xyanua

08:39 09/05/2025
17 lượt xem

Thảo luận về dự án Luật Hóa chất (sửa đổi), sáng 8-5, đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) nhắc đến nhiều vụ án thương tâm liên quan tới đầu độc bằng chất độc xyanua.

Trong khi đó, luật không quy định xyanua là hóa chất cấm, mà chỉ quy định điều kiện quản lý. Luật hiện hành cũng không quy định về việc người bán phải kiểm tra điều kiện của người mua mới được bán, dẫn tới tình trạng mua-bán xyanua diễn ra tràn lan trên thị trường.

Ảnh minh họa: Chinhphu.vn

Nhắc tới một loạt tác dụng của xyanua trong điều chế thuốc chữa bệnh hay một số ngành công nghiệp đặc thù như khai thác vàng, mạ kim... đại biểu Trần Khánh Thu đề nghị phải quy định quản lý chặt chẽ với loại hóa chất độc hại, nguy hiểm này, như doanh nghiệp phải đăng ký cụ thể mục đích sử dụng, số lượng, cam kết biện pháp quản lý rủi ro, có quy trình thiết bị an toàn nghiêm ngặt; quy định chặt chẽ về đóng gói, ghi nhãn, khai báo vận chuyển, lưu trữ. Chất thải chứa xyanua phải được xử lý theo quy trình đặc biệt, nghiêm cấm xả thải ra môi trường...

Quả là thực tế đã có rất nhiều vụ án đầu độc, giết người, thậm chí giết nhiều người bằng chất độc xyanua. Điều đó cho thấy, việc quản lý mua-bán loại chất độc này rất lỏng lẻo. Sự lỏng lẻo ấy đã tạo ra lỗ hổng để những kẻ tội phạm lợi dụng, gây ra những vụ án đau lòng.

Nhìn rộng ra, không chỉ xyanua, nhiều loại hóa chất độc hại khác cũng đang được mua bán tràn lan trên thị trường mà không thể kiểm soát hết mục đích sử dụng của người mua. Vì thế, các loại hóa chất nguy hiểm đã bị các cơ sở sản xuất, kinh doanh sử dụng sai mục đích trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm, nước ngọt, sữa, thuốc... Điều đáng nói là nhiều loại hóa chất ấy khi tích tụ đến một mức độ nhất định có thể gây ra những căn bệnh nguy hiểm, điển hình nhất là ung thư.

Do vậy, chúng ta cần có những quy định rất chặt chẽ trong sản xuất, kinh doanh, bảo quản, sử dụng các loại hóa chất có thể gây nguy hại cho sức khỏe, tính mạng con người và cho môi trường cũng như việc xử lý rác thải có chứa các loại hóa chất nguy hại ấy. Song song với đó, chúng ta cũng cần quy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nếu để xảy ra tình trạng sử dụng hóa chất độc hại sai mục đích trong thời gian dài, trên diện rộng, số lượng lớn mới bị phát hiện.

Hóa chất độc hại không thể được sản xuất, kinh doanh, sử dụng bừa bãi như thời gian qua!

Theo qdnd.vn

Link bài gốc

Xem thêm phản hồi...