Ngày 20-4, Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Bộ Kinh tế, Tài chính, Chủ quyền công nghiệp và Kỹ thuật số Pháp Eric Lombard cảnh báo nếu Tổng thống Donald Trump sa thải ông Powell, uy tín của đồng USD sẽ suy yếu và nền kinh tế Mỹ sẽ gặp bất ổn. Ông Lombard cho rằng chính sách thuế quan mạnh tay của ông Trump đã làm tổn hại vị thế của đồng USD trong thời gian dài. Việc sa thải ông Powell sẽ càng làm trầm trọng thêm tình trạng này, đặc biệt trên thị trường trái phiếu. Hậu quả sẽ là chi phí trả nợ tăng cao và nền kinh tế Mỹ bị xáo trộn nghiêm trọng.
Trong khi đó, ông Krishna Guha, Phó chủ tịch Evercore ISI (Mỹ) cảnh báo việc sa thải ông Powell có thể dẫn đến đóng băng thị trường trái phiếu, buộc Fed phải khôi phục nới lỏng định lượng-một chính sách có thể gây ra "vòng xoáy luẩn quẩn" của chi phí vay nợ tăng cao và rủi ro suy thoái.
![]() |
Tổng thống Donald Trump (bên trái) và Chủ tịch Fed Jerome Powell. Ảnh: Forbes |
Hiện vẫn chưa rõ ông Trump muốn ông Powell nghỉ việc ngay lập tức hay chờ đến khi hết nhiệm kỳ (tháng 5-2026). Cố vấn kinh tế hàng đầu của Nhà Trắng Kevin Hassett cho biết ông Trump đang xem xét tất cả các khả năng. Kể từ khi trở lại Nhà Trắng, Tổng thống Donald Trump thường xuyên chỉ trích Chủ tịch Fed - quan chức được chính ông đề cử trong nhiệm kỳ đầu tiên, cáo buộc ông Powell đang chơi trò chính trị.
Ngày 17-4, Tổng thống Donald Trump khẳng định có thể buộc ông Powell phải ra đi. Trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump chỉ trích Chủ tịch Fed Jerome Powell luôn hành động “quá chậm và không chính xác”, cho rằng lẽ ra Fed nên cắt giảm lãi suất sớm hơn, như các ngân hàng trung ương khác, trong đó có Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã làm. Nhà lãnh đạo Mỹ cũng đề cập “việc sa thải ông Powell chưa diễn ra đủ nhanh”. Trong bài phát biểu cùng ngày tại Nhà Trắng, ông Trump một lần nữa chỉ trích Chủ tịch Fed vì sự chậm chạp trong cắt giảm lãi suất và khẳng định: “Nếu tôi muốn ông ấy ra đi, ông ấy sẽ ra đi rất nhanh”.
Phát biểu của Tổng thống Donald Trump đưa ra chỉ một ngày sau khi Chủ tịch Fed cảnh báo các mức thuế mà chính quyền Mỹ đang áp đặt đối với hầu hết đối tác thương mại sẽ đẩy giá lên cao, hạn chế tăng trưởng kinh tế và có thể khiến Fed rơi vào tình thế phải lựa chọn giữa việc kiểm soát lạm phát và bảo vệ việc làm-hai mục tiêu cốt lõi trong chính sách tiền tệ của Ngân hàng Trung ương Mỹ. Hiện tại, Fed đang giữ nguyên lãi suất cơ bản trong biên độ 4,25-4,5%, sau một số đợt cắt giảm vào cuối năm ngoái. Lãi suất của Fed có ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí vay của doanh nghiệp và cá nhân, tác động đến nhiều lĩnh vực như thế chấp nhà ở hay tín dụng tiêu dùng.
Giới chuyên gia cho rằng, nếu ông Trump thay thế Chủ tịch Fed và giành được quyền điều chỉnh lãi suất theo ý muốn, ông sẽ gây ra hỗn loạn trên thị trường tài chính, làm lung lay niềm tin vào nền kinh tế Mỹ và khiến lạm phát tăng vọt. Nếu tính độc lập của Ngân hàng Trung ương suy yếu, điều này có thể làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của Fed, vốn được đánh giá cao nhờ khả năng vận hành độc lập khỏi các sức ép chính trị. Đây cũng chính là nền tảng giúp nhà đầu tư toàn cầu duy trì lòng tin vào đồng USD-đồng tiền dự trữ hàng đầu hiện nay.
Theo Gia Huy/qdnd.vn
Link bài gốc