Sẵn sàng cho nuôi tôm vụ xuân hè
Nuôi tôm là hướng phát triển kinh tế hiệu quả của người dân Hà Tĩnh từ nhiều năm lại nay. Tuy nhiên, đối tượng nuôi này lại thường xuyên chịu tác động của thiên tai, dịch bệnh, ảnh hưởng lớn đến năng suất, chất lượng. Vì vậy để có một vụ nuôi tôm thắng lợi toàn diện, ngành chuyên môn và các địa phương khuyến cáo người nuôi tôm tuân thủ đúng khung lịch thời vụ; thực hiện nghiêm các biện pháp kỹ thuật từ cải tạo ao đầm, vệ sinh khu vực nuôi đến lựa chọn con giống đảm bảo chất lượng.
Với hơn 3ha nuôi tôm, những ngày này, gia đình ông Nguyễn Hải Lý, phường Kỳ Ninh, thị xã Kỳ Anh đang tập trung nhân lực để cải tạo ao đầm, nạo vét bùn đất, nâng cấp hệ thống bờ kè và xử lý ao nuôi để chuẩn bị xuống giống vụ tôm mới. Với kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề, theo ông Lý, sau một vụ nuôi thì toàn bộ lượng chất thải, thức ăn dư thừa, mầm bệnh đều tích tụ ở đáy ao, vì vậy việc cần làm đầu tiên là phải cải tạo, xử lý đáy ao, để chuẩn bị thả nuôi vụ mới.
Cải tạo ao đầm, xử lý, vệ sinh khu vực nuôi tôm là khâu đầu tiên và cũng là khâu quan trọng để hạn chế dịch bệnh phát sinh trên tôm. Vì vậy, các biện pháp kỹ thuật phải thực hiện kỹ càng, cẩn thận theo quy trình cụ thể. Theo ngành chuyên môn và kinh nghiệm của người nuôi tôm lâu năm, thì quá trình cải tạo phải nạo vét lại ao nuôi, loại bỏ lớp bùn đen ra khỏi đáy ao, đảm bảo độ sâu mực nước đạt từ 1,2 - 1,5 m. Cùng với đó, việc tiêu độc, khử trùng đáy ao và xung quanh bờ ao bằng vôi cần được tiến hành sau khi loại bỏ xong lớp bùn đen. Vôi với tác dụng nâng độ pH, tăng độ kiềm, khử phèn trong đất và nước, sát trùng đáy ao, làm trong nước, nhưng phải đảm bảo liều lượng phù hợp, khoảng 10-15 kg vôi trên 100 m2 ao nuôi. Mặt khác, để hạn chế mầm bệnh của vụ nuôi trước, cần xử lý nguồn nước bằng Chlorine và phơi ao 7 - 10 ngày trước khi thả nuôi.
Một trong những yếu tố quan trọng khác và quyết định tới thành bại của vụ nuôi tôm đó là chất lượng con giống. Để chọn được tôm giống tốt trước tiên phải chọn cơ sở sản xuất, cung cấp uy tín. Tôm giống phải có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận kiểm dịch, đảm bảo an toàn về dịch bệnh. Trước khi thả nuôi thì tôm giống cũng phải đảm bảo kích thước, màu sắc và có phản xạ tốt. Mật độ nuôi tôm thẻ chân trắng, nuôi bán thâm canh cần đảm bảo 50-60 con/ m2 ; nuôi thâm canh là 120-150 con/m2.
Vụ xuân hè năm 2025, toàn tỉnh dự kiến thả nuôi hơn 2.000 ha tôm, chủ yếu là tôm sú và tôm thẻ chân trắng. Xác định đây là vụ nuôi chính nên ngay từ đầu vụ, chính quyền các địa phương ở Hà Tĩnh đã phối hợp với ngành chuyên môn hướng dẫn người dân quy trình kỹ thuật nuôi tôm, từ khâu cải tạo ao đầm đến tư vấn, lựa chọn các nguồn giống tôm, thức ăn, cách phòng trừ dịch bệnh trên tôm. Đến thời điểm này, phần lớn diện tích ao đầm nuôi tôm của người dân đã cơ bản hoàn thành công tác cải tạo, sẵn sàng xuống giống vụ mới.
Theo khung lịch thời vụ, thì từ tháng 3 sẽ bắt đầu thả nuôi giống tôm vụ xuân hè. Với việc chuẩn bị kỹ lưỡng các điều kiện ao, đầm, vùng nuôi, cũng như đảm bảo chất lượng con giống, môi trường ao nuôi và thực hiện nghiêm quy trình kỹ thuật theo hướng dẫn của ngành chuyên môn, người nuôi tôm ở Hà Tĩnh kỳ vọng vào vụ nuôi tôm xuân hè thắng lợi, phát triển nghề nuôi tôm bền vững.
Theo Hà Vân/HTTV