Tự hào làm "sống lại" lịch sử
Việc các bạn trẻ mặc áo dài, cầm cờ Tổ quốc và chọn dinh Độc Lập, nơi ghi dấu son chiến thắng của Chiến dịch Hồ Chí Minh cách đây 50 năm, làm điểm đến “check-in” trong những ngày tháng Tư lịch sử không chỉ đẹp về mặt hình ảnh mà còn sâu sắc về mặt tinh thần. Lan tỏa một thông điệp ý nghĩa của một thế hệ biết tri ân, biết hướng về cội nguồn bằng cả trái tim và ý thức công dân.
Trong bối cảnh mạng xã hội chi phối đời sống giới trẻ, việc “check-in” trở thành thói quen phổ biến của các em. Đáng mừng là khi những bức ảnh không chỉ để khoe mà còn để nhớ, để khắc ghi một phần lịch sử dân tộc trong hành trình trưởng thành của mỗi người. Tuy nhiên, cũng không ít bạn trẻ đến các di tích chỉ để “sống ảo”, thậm chí vô cảm hoặc phản cảm trong cách thể hiện.
Sự khác biệt này, xét cho cùng, bắt nguồn từ hiệu quả của giáo dục lịch sử. Khi lịch sử không còn là những “dữ kiện” trong sách, mà trở thành “giá trị sống” cho thế hệ trẻ qua từng bước chân, từng bức ảnh lưu niệm của các bạn trẻ.
![]() |
Ảnh minh họa: vnexpress.net |
Do đó, giáo dục những giá trị văn hóa-lịch sử cần đổi mới theo hướng “đánh thức cảm xúc” và kết nối với hiện tại. Khi các bạn trẻ đứng trước dinh Độc Lập, bồi hồi trước lá cờ Tổ quốc hay cảm nhận được cái giá của hòa bình trong một ngày nắng tháng Tư, đó là lúc lịch sử trở thành chất liệu để hình thành nhân cách, bản lĩnh, hun đúc lòng tự hào và ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay.
Lịch sử là để sống cùng bằng ý thức, bằng hành động, bằng cả trái tim. Do đó, từ gia đình, nhà trường đến xã hội cần tạo điều kiện, môi trường và phương pháp để lịch sử chạm đến trái tim giới trẻ, để mỗi lần “check-in” không chỉ là một bức ảnh mà là một dấu ấn đáng nhớ trong hành trình trưởng thành của các em.
Theo Thu Hà/QDND.VN