Hồ Chí Minh với cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy
Quá trình tiếp tục hoàn thiện sự nghiệp đổi mới đưa đất nước bước vào kỷ nguyên vươn mình, vấn đề định hình một nền hành chính chuyên nghiệp, hiện đại, liêm chính, tất cả vì dân, phục vụ dân, vì sự phát triển của đất nước theo tư tưởng Hồ Chí Minh cần được vận dụng và quán triệt sâu sắc.
Tư tưởng Hồ Chí Minh về Nhà nước đã được khẳng định ngay trong Tuyên ngôn Độc lập, đó là lập nên chế độ dân chủ cộng hòa, xây dựng nền hành chính lập hiến, lập pháp. Tại phiên họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Chúng ta phải có một hiến pháp dân chủ”. Người đã ký Sắc lệnh số 34 (ngày 20/9/1945) lập Ủy ban dự thảo Hiến pháp; tiếp đó là Sắc lệnh 63 (ngày 22/11/1945) về tổ chức các HĐND và Ủy ban hành chính.
Hiến pháp được Quốc hội thông qua năm 1946 (240/242 phiếu) khẳng định, tất cả quyền lực Nhà nước thuộc về Nhân dân với những chế định cụ thể nêu bật bản chất dân chủ và pháp quyền với tính ưu việt của chính quyền cách mạng, đó là tất cả vì mưu cầu quyền lợi và hạnh phúc cho Nhân dân, điều mà Hồ Chí Minh đã đề cập từ những năm chưa giành được chính quyền.
Chủ tịch Hồ Chí Minh trò chuyện với đại biểu dự Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ II (tháng 2/1951). (Ảnh tư liệu: TTXVN).
Việc xây dựng Nhà nước lập hiến, lập pháp gắn với một nền hành chính “dân chủ, liêm chính”, một nền hành chính “gọn nhẹ, thông suốt” là vấn đề mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Người chủ trương xây dựng một nền hành chính phục vụ; công chức hành chính là “đầy tớ của dân”. Người nói: “Chúng ta tất cả mọi người, bất kỳ ở một chức vụ nào, cao hay thấp, to hay nhỏ, tất cả mọi người làm thành một bộ máy” và phải “làm cho bộ máy ấy chạy nhanh hơn, đều hơn để đi mau đến thắng lợi hoàn toàn”, đó là bộ máy của “một Nhà nước mới”.
Điều quan trọng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm đó là phải xây dựng được một đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ. Cán bộ phải tuyệt đối trung thành với Đảng, với cách mạng. Đây là thước đo cao quý nhất để đánh giá phẩm chất cách mạng của người cán bộ trong mối quan hệ với Tổ quốc, với Đảng, với Nhân dân. Có được điều này thì cán bộ mới tự giác toàn tâm toàn ý hy sinh phấn đấu cho lý tưởng cách mạng, đặt lợi ích của dân tộc, của Nhân dân lên trên hết. Bác căn dặn: “Việc gì lợi cho dân ta phải hết sức làm. Việc gì hại đến dân ta phải hết sức tránh”.
Bác Hồ nói chuyện với các đại biểu và tầng lớp nhân dân Hà Tĩnh ngày 15/6/1957. (Ảnh tư liệu).
Cán bộ phải có năng lực chuyên môn, năng lực quản lý, phải là người nắm vững chủ trương, đường lối, chính sách pháp luật, có tri thức, có nghiệp vụ để tiếp thu và vận dụng phù hợp trong xử lý công việc theo chức năng, nhiệm vụ. Nhiệm vụ cách mạng ở mỗi giai đoạn, mỗi thời kỳ yêu cầu người cán bộ phải thích nghi, không nề hà, phải dám phụ trách, dám chịu trách nhiệm, không lẩn tránh, ngại khó, đùn đẩy. Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở: “cán bộ không phải là quan cách mạng”, mà “phải là người đầy tớ của dân”. Muốn vậy, cán bộ phải thường xuyên “tự soi, tự sửa”, luôn hành động vì sự trong sạch, vững mạnh của Nhà nước, của nền công vụ XHCN. Phải thường xuyên tự phê bình và phê bình nhằm giữ gìn phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao năng lực công tác, kịp thời phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm.
Trong phiên họp đầu tiên của Chính phủ (3/9/1945), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói với các bộ trưởng: “Các bạn và tôi, chúng ta đều chưa quen với kỹ thuật hành chính. Nhưng điều đó không làm cho chúng ta lo ngại. Chúng ta vừa làm vừa học, vừa học vừa làm. Chắc rằng chúng ta sẽ phạm khuyết điểm, nhưng chúng ta sẽ sửa chữa, chúng ta có can đảm sửa chữa khuyết điểm. Với lòng yêu nước và yêu Nhân dân sâu sắc, tôi chắc chúng ta sẽ thành công”.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém.” (Ảnh tư liệu: TTXVN).
Quá trình tiến hành đổi mới đặt ra vấn đề lớn đó là cần có thể chế mới phù hợp, cần phải cải cách, sửa đổi, với tinh thần can đảm sửa chữa. Ngày 9/11/2022, BCH Trung ương Đảng (khóa XIII) đã ra Nghị quyết số 27-NQ/TW về tiếp tục xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN Việt Nam trong giai đoạn mới.
Nghị quyết nhấn mạnh xây dựng nền hành chính tư pháp chuyên nghiệp, pháp quyền hiện đại; với bộ máy Nhà nước tinh gọn, trong sạch, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, thực sự chuyên nghiệp, liêm chính; quản trị quốc gia hiện đại, hiệu quả; đáp ứng nhiệm vụ phát triển đất nước nhanh, bền vững. Như vậy, trước thực trạng bộ máy cồng kềnh, trùng lặp, chồng chéo, thiếu phân định, phân cấp trách nhiệm rõ ràng cần được khắc phục. Nhiều thủ tục hành chính, những nút thắt cần được tháo gỡ, cần được cắt bỏ, cần được đổi mới, giảm bớt tầng nấc, để hướng tới một nền hành chính tinh, gọn, mạnh và hiện đại.
Cần kiện toàn bộ máy hành chính để có một “Nhà nước mới” theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, thực sự vững mạnh, gần dân, sâu sát cơ sở. Kiên quyết đấu tranh chống các biểu hiện tiêu cực như quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vòi vĩnh, xin xỏ, chạy chọt, tham nhũng, lãng phí… gây bức xúc và giảm niềm tin đối với dân. Muốn vậy, một mặt cần phải tăng cường kỷ luật, kiểm tra, giám sát; mặt khác phải quan tâm bồi dưỡng, giáo dục đội ngũ cán bộ, viên chức công tâm, thích nghi, thạo việc, tự chủ, tự trọng, trở thành những công chức chuyên nghiệp, mẫn cán. Tổ chức bộ máy phải trên tinh thần tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Việc sắp xếp bộ máy và cắt giảm biên chế kiên quyết nhưng phải đúng việc, đúng người, phát huy tinh thần tự giác gắn liền với việc làm tốt chế độ chính sách phù hợp với tình hình và điều kiện thực tế để tạo sự đồng thuận cao trong toàn hệ thống.
Việt Nam là điểm đến an toàn nhất ở châu Á thu hút du khách. Ảnh internet
Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đảng ta rất quan tâm đến mối quan hệ lãnh đạo - cầm quyền. Thực tiễn đã chứng minh rằng, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã cùng với dân tộc hoàn thành trách nhiệm lịch sử trong suốt công cuộc kháng chiến và kiến quốc để có được những thành quả như ngày hôm nay. Nhưng, để đưa đất nước tiếp tục phát triển trong quá trình hoàn thiện sự nghiệp đổi mới cần phải tiến hành cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức bộ máy, nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong điều hành của thể chế chính trị. Quá trình triển khai sẽ đụng chạm nên phải tạo được sự nhất trí, tự giác và đồng bộ trong toàn hệ thống. Cần “đôn đốc triển khai, hướng dẫn, tháo gỡ những khó khăn, bất cập, vướng mắc phát sinh trong việc triển khai thực hiện, không để ảnh hưởng đến hoạt động các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị” như Kết luận số 126-KL/TW của Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã ghi rõ.
Với khát vọng đưa đất nước phát triển hùng cường và thịnh vượng, việc xây dựng nền hành chính chuyên nghiệp, liêm chính, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tư tưởng Hồ Chí Minh phù hợp với tiến trình của sự nghiệp đổi mới là vấn đề cực kỳ quan trọng để đất nước vươn mình thực hiện được mục tiêu cao cả: Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai cùng với các cường quốc năm châu.
Đặng Duy Báu
Link bài gốc